Sunday, February 19, 2023

Nhu cầu nhân lực ngành Kinh tế số

Thị trường lao động Việt Nam có khoảng 75% lao động không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Đây là hạn chế lớn của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp thế hệ tiếp theo đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Chất lượng nguồn lao động chưa cao sẽ là rào cản ngăn cách cơ hội thích ứng và bắt kịp với các xu hướng công nghệ mới, các phương thức kinh doanh mới của thế giới. Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần tích cực đổi mới, triển khai các chính sách đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu tăng trưởng và phát triển kinh tế (Nguồn: Tổng cục thống kê  ).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý II/2019, dân số nước ta đạt 96,2 triệu người, trong đó nam có 47.881.061 người (chiếm 49,8%) và nữ có 48.327.923 người (chiếm 50,2%). Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia, Philippines). Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước ước tính là 55,46 triệu người (chiếm hơn một nửa dân số với tỷ lệ 57,65%). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 76,21%. Từ những con số thống kê cụ thể cho thấy lực lượng lao động của Việt Nam khá dồi dào, sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động nước ta đã có những cải thiện nhất định, song, nhìn chung chất lượng cung lao động còn thấp. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Quý II/2019, lực lượng lao động đã qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chỉ chiếm 22,37% (lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 10,82%; cao đẳng chiếm 3,82%; trung cấp chiếm 4,65% và sơ cấp chiếm 3,08%). Số lượng lao động đã qua đào tạo chỉ bằng 1/3 Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore.

Theo dự báo 2022 - 2025, Việt Nam sẽ thiếu 150 ngàn nhân lực trong lĩnh vực CNTT và chuyển đổi số vì khi đó nhu cầu của Việt Nam cần 530 ngàn người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số  .


Về chất lượng nguồn nhân lực, so với các quốc gia trong khu vực như Singapore, Malaysia, Philippines, Trung Quốc, Thái Lan thì Việt Nam xếp loại cuối. 

Đại diện WB cho rằng Việt Nam muốn thành công trong quá trình chuyển đổi số cần phải tập trung nguồn lực nâng cao kỹ năng số của lực lượng lao động trong nước. Nếu không, Việt Nam sẽ thu được rất ít (hoặc không nhiều như mong đợi) thành công từ quá trình này vì nhiều người Việt Nam sẽ không thể tìm được việc làm  .

Trong dự thảo của Bộ thông tin và truyền thông về Đề án “nâng cao nhận thức, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” chuẩn bị trình Thủ tướng phê duyệt đang đề xuất mục tiêu đến năm 2025: 100% các trường “Đại học số” hoàn thiện được mô hình tổ chức số, quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở và được đầu tư trang bị đồng bộ hạ tầng số, nền tảng công nghệ số, trang thiết bị học và thực hành sẵn sàng tuyển sinh và đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số  ; Mục tiêu  Tuyển sinh, đào tạo được 5.000 kỹ sư, cử nhân chất lượng cao về các chuyên ngành công nghệ số, kinh tế số và xã hội số tại các trường “đại học số”. Có thể nói, hơn bao giờ hết công tác đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số nói chung và kinh tế nói riêng đang được chú trọng hơn bao giờ hết.

Việc gắn chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo với chiến lược phát triển nguồn nhân lực và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trên cả hai phương diện vĩ mô và vi mô. Có như vậy mới tạo ra sự hòa nhập giữa cung nhân lực với cầu nhân lực số của nền kinh tế, thị trường lao động cả về trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật, cơ cấu nhân lực và năng lực, phẩm chất.

 Do vậy, tại Việt Nam hiện nay, tiềm năng phát triển của Kinh tế số trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, trong xu thế Chuyển đổi số của thời đại đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về đào tạo nguồn nhân lực đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng đối với các cơ sở giáo dục cao đẳng, đại học trong cả nước. 

Mỗi một nền kinh tế đòi hỏi cần phải có một lực lượng sản xuất tương ứng về trình độ của nó, đặc biệt là nguồn nhân lực. Vì vậy, tương ứng với nền kinh tế số phải có nguồn nhân lực số để triển khai, tổ chức thực hiện và vận hành nó. 

Có thể thấy đặc trưng của nguồn nhân lực số được thể hiện trên các phương diện như:

+ Có năng lực làm chủ các thiết bị công nghệ số trong quá trình tương tác của các hoạt động kinh tế.

+ Có khả năng thích ứng trong thời gian nhanh nhất với môi trường lao động và với tiến bộ khoa học công nghệ mới.

+ Có tác phong kỷ luật và đạo đức trong công việc.

+ Có khả năng tư duy đột phá trong công việc, hay còn gọi là tính sáng tạo. Đây được xem như điều kiện đủ và là tiêu chí đặc trưng của nguồn nhân lực số.

Theo Báo cáo Tiềm năng kinh tế số của Việt Nam do Google công bố mới đây, kinh tế số và chuyển đổi số có thể làm mất 1/3 lượng việc làm hiện có ở Việt Nam, đồng thời có thể tạo ra việc làm mới với những kỹ năng mới  . 

Bên cạnh đó theo thống kê, lĩnh vực nông nghiệp thu hút tới hơn 40% lao động trong nền kinh tế nhưng tỷ lệ có bằng cấp chỉ chiếm 6% (tương đương khoảng 4,2% số lao động trong lĩnh vực này); lao động có bằng cấp ở khu vực dịch vụ là hơn 70%, trong khi số lao động chỉ chiếm 34%; tỷ lệ lao động có bằng cấp trong các ngành công nghiệp, xây dựng chỉ có 20%. Đây là sự bất hợp lý và thách thức rất lớn trong quá trình phát triển và tái cơ cấu kinh tế  .

Để thỏa mãn các phương diện trên nhất thiết đòi hỏi nguồn nhân lực số phải được đào tạo bài bản và liên tục được đào tạo bổ sung mới. Có thể thấy việc triển khai đào tạo Ngành Kinh tế số tại trường Đại học Thủy lợi tại thời điểm này là hoàn toàn chín muồi đáp ứng yêu cầu phát triển của Đất nước nói chung và Ngành Nông nghiệp nói riêng (Bộ ngành chủ quản của Trường) và nhu cầu học hỏi của người dân. Việc đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số ở cấp Đại học góp phần tạo sự chuyển biến nhận thức của toàn xã hội về chuyển đổi số, kinh tế số trên mọi phương diện của cuộc sống; Việc triển khai ở cấp Đại học kết hợp đi đôi với thực tiễn, đặc thù của lĩnh vực kinh tế số sẽ cung cấp các nội dung đào tạo thiết thực, truyền đạt tính thực tiễn cao hiệu quả cho các sinh viên.

Kinh nghiệm của một số trường Đại học quốc tế và trong nước trong việc mở ngành Kinh tế số thường thiên về 2 xu hướng là đào tạo Cử nhân (Bachelor of Art) hoặc đào tạo Kỹ sư (Bachelor of Sciences). Với thiên hướng đào tạo về Cử nhân ngành Kinh tế số sẽ tập trung chuyên sâu về các mảng như kinh doanh, quản trị hoặc Phân tích dữ liệu. Đại học Thủy lợi  đã mở đào tạo Ngành Kinh tế số - Chuyên ngành kinh tế và kinh doanh số nằm trong khoa Kinh tế và quản lý là phù hợp với chiến lược phát triển giáo dục đào tạo quốc gia nói chung và trường Đại học Thủy lợi nói riêng.


0 comments:

Post a Comment