Phát triển kinh tế số được nhiều quốc gia xem như là một xu thế tất yếu của cuộc CMCN 4.0. Trong những năm gần đây, mô hình kinh tế số cũng đang rất phát triển tại Việt Nam, đóng góp rất lớn vào tốc độ phát triển kinh tế chung của cả nước.
Nhận thức tầm quan trọng của nền kinh tế số, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm, sớm có nhiều chủ trương, giải pháp thực hiện Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi sang nền kinh tế số. Các chủ trương này được thể hiện trong các văn bản như: Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 26/5/2016 về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về tăng cường năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0. Tháng 8/2018, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử được thành lập do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Chủ tịch Ủy ban; Nghị quyết số 52/NQ-TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; Nghị quyết số 52-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2025 nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 20% GDP; Quyết định số 749/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, Việt Nam thuộc nhóm ít các nước trên thế giới sớm ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia, chiến lược về một quốc gia số. Với mục tiêu rất cao mà Chương trình đề ra, cần phải quyết liệt phấn đấu mới thực hiện được như: Đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; năm 2030 chiếm 30% GDP; 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử vào năm 2025 và đến năm 2030 là 80% dân số.
Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhất trí thông qua Nghị quyết của Đại hội, khẳng định rõ, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, trở thành nền tảng và động lực cho sự phát triển kinh tế và xã hội. Có thể nói, nền kinh tế tương lai là nền kinh tế số. Để thành công trong nền kinh tế số, công tác đào tạo nhân lực đóng vai trò then chốt.
Để quá trình chuyển đối số thành công, công nghệ là yếu tố cần thiết, nhưng không thể thiếu quyết tâm và ý chí kết nối của con người. Nghiên cứu của Trung tâm lãnh đạo sáng tạo (Center for Creative Leadership) cho thấy 3 trong 5 yếu tố cản trở lớn nhất đối với chuyển đổi số đều xuất phát từ nguồn nhân lực. Gần 50% số người tham gia khảo sát của Vietnam Report cho rằng thách thức lớn thứ hai (chỉ sau thách thức về an ninh mạng) là sự thiếu hụt lực lượng lao động có kỹ thuật gây khó khăn cho quá trình chuyển đối số.
Mỗi nền kinh tế đòi hỏi một lực lượng sản xuất tương ứng về trình độ, đặc biệt là nguồn nhân lực. Nền kinh tế số (cùng với chính phủ số và xã hội số tạo nên 03 trụ cột của chuyển đổi số) cần có nguồn nhân lực số để triển khai, tổ chức thực hiện và vận hành nó. Có thể hiểu nguồn nhân lực số là tổng thể số lượng, chất lượng con người với tổng hòa các tiêu chí về trí lực, thể lực và những phẩm chất đạo đức, tinh thần tạo nên năng lực mà nền kinh tế số cần huy động vào quá trình lao động, sáng tạo. Nền kinh tế số dựa trên các ứng dụng công nghệ số, phát triển dựa trên nền tảng tài nguyên tri thức... sẽ đòi hỏi nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về chuyên môn, đạo đức, có năng lực làm chủ công nghệ, có tính sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh với sự biến đổi của công nghệ. Để đạt được mục tiêu trên, nguồn nhân lực số đòi hỏi phải được đào tạo bài bản và thường xuyên được tái đào tạo, bổ sung cập nhật kỹ năng.
Đặc trưng của nguồn nhân lực trong chuyển đổi số bao gồm: đủ năng lực làm chủ công nghệ số trong quá trình tương tác hoạt động; có khả năng thích ứng trong thời gian ngắn nhất với môi trường lao động và với tiến bộ khoa học công nghệ mới; có tác phong kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp; có khả năng tư duy đột phá trong công việc, còn gọi là tính sáng tạo. Do vậy, đào tạo chính quy dài hạn tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trở thành “cứu cánh” cho nguồn nhân lực của chuyển đổi số nói chung và Kinh tế số nói riêng.
0 comments:
Post a Comment